7 con người cả đời vẽ hồn cho xứ ngàn hoa

Đà Lạt còn mang trong mình nó những con người kì tài, có thể hơi kì quái một chút nhưng tựu chung lại của những con người đó là tình yêu bất tận dành cho Đà Lạt, với tài năng riêng của mỗi người Đà Lạt dường như càng được tô điểm hơn cho vẻ đẹp nhẹ nhàng, quyến rũ và cũng chính Đà Lạt là chất xúc tác lớn nhất để tài năng của họ ngày càng thăng hoa và bay cao hơn nữa.

1/ Lưu Công Nhân (1931 – 2007)

Lưu Công Nhân (1931-2007) là một trong những họa sĩ có nhiều triển lãm tranh nhất ở Việt Nam. Trong gần 60 năm làm nghề, ông đã vẽ hàng nghìn bức tranh với đủ chất liệu: sơn dầu, màu nước, giấy dó... Lưu Công Nhân đặc biệt nổi tiếng với các bức tranh nude và câu chuyện về lối sống phóng túng, dám dấn thân cho nghệ thuật của ông vẫn luôn là đề tài được giới văn nghệ truyền tụng bấy nay...

Nhắc tới Lưu Công Nhân là nhiều người nhớ tới một hình mẫu nghệ sĩ ưa xê dịch, tính cách có phần ngang tàng, kiểu "tay chơi". Chuyện kể rằng, một lần, tiện đường, ông ghé vào một xí nghiệp thăm vợ (bấy giờ vợ ông đang là lãnh đạo một xí nghiệp dược phẩm). Thấy có người đàn ông trắng trẻo, điển trai, đi xe "cuốc" (xe đạp dáng cao, kiểu thể thao, thuộc loại đắt tiền ngày ấy), mặc quần soóc trắng, vẻ hơi cấc lấc… muốn gặp bà giám đốc, người bảo vệ xí nghiệp nhất định không cho vào. Khi nghe người bảo vệ báo cáo lại sự việc và kể lại đặc điểm nhân dạng của vị khách, bà giám đốc liền đổi thái độ. Bà mỉm cười nhỏ nhẹ: "Bác cứ mời anh ấy vào phòng khách, bảo pha trà…".

Nhớ về Lưu Công Nhân, những người bạn thân thiết, từng trao đổi thư từ với ông hẳn đều không quên chi tiết: Lưu Công Nhân rất hiếm khi bỏ trắng vỏ bì thư mà thường ông dùng bút màu vẽ thêm một vài nét vui vui lên đó. Ông Nguyễn Dương cho biết: "Trên tất cả phong bì, lá thư ông gửi cho chúng tôi, ông đều dùng bút màu vẽ thêm hoặc viết thêm hoặc tốc họa rất ngộ nghĩnh, hài hước và vui tươi. Khác thường nhất là thiệp chúc Tết, ông vẽ những đường cong tuyệt mỹ của tạo hóa ban cho người phụ nữ được ngụ ý trong 12 con giáp hoặc những hoa trái vui tươi đầy rung cảm".

Xem tranh của Lưu Công Nhân, ai cũng phải thừa nhận là ông có sở trường trong mảng tranh… nude. Vậy từ đâu nhà họa sĩ thuộc lứa các họa sĩ trưởng thành từ thời chống Pháp lại quyết tâm theo đuổi mảng tranh này?


2/ KTS Lữ Trúc Phương

Nhắc đến ông là nhắc đến những công trình kiến trúc độc đáo, ấn tượng thậm chí là điên rồ của Đà Lạt. Nhà trăm mái là tác phẩm ưng ý nhất nhưng nó chưa kịp hoàn thiện thì đã bị phá hủy. Ông tiếp tục xây dựng quán cafe Đường lên trăng tại khu vực đường Phan Bội Châu, đứng ngoài nhìn vào du khách chỉ thấy cây hoa bao xung quanh một khối bê tông chứ không biết bên trong nó là gì. Trong quán là vô số ngõ ngách, hang động do chính ông thiết kế tạo cho du khách như mình đang lạc vào trong mê cung không có lối thoát, điểm nhấn của nó là có một ngõ để lên trăng sâu hun hút, tạo cảm giác vừa hồi hộp vừa bí ẩn cho du khách ghé thăm. Ngoài ra tượng con gà trống ở nặng 8 tấn ở làng K’long cũng chính là tác phẩm của ông.


- Những địa điểm ăn uống không thể bỏ qua tại Đà Lạt
- Ga Đà Lạt - nhà ga cổ nhất Việt Nam

3/ KTS Đặng Việt Nga

Bà chính là tác giả và chủ nhân của biệt thự Hằng Nga hay còn được biết đến với tên gọi là Ngôi nhà kì quái. Ngôi nhà này được xây dựng từ năm 1990 tới năm 2010 mới hoàn thành. Ngôi nhà được xây dựng trên diện tích hơn 2000m2 với nhiều tòa nhà khác nhau theo phong cách kiến trúc quái dị, không tuân theo một quy luật nào cả, bên trong ngôi nhà như đi giữa những hang động, lúc xéo bên này, lúc ẹo bên kia. Nhà còn được trang trí bởi những đồ nội thất kì quặc và những con vật to lớn. Hàng năm biệt thự Hằng Nga thu hút hàng trăm ngàn lượt khách ghé thăm và nghỉ ngơi tại đây.


- Hoa - trải dài trên những cung đường Đà Lạt
- 10 điều thú vị nên thử 1 lần ở xứ ngàn thông

4/ Nhiếp ảnh gia MPK

Đối với ông Đà Lạt là tình yêu muôn đời, cuộc đời, công việc của ông gắn bó với vùng đất xinh đẹp và lãng mạn này. Nhiếp ảnh gia MPK có thể không giống bất kì chân dung nhà nhiếp ảnh nào mà chúng ta từng biết đến. Góc ảnh của ông cũng không dễ gì mà mọi người có thể hiểu được, ẩn chứa đằng sau đó là những câu chuyện, những tâm tư tình cảm mà ông muốn gửi gắm. Nhưng xuyên suốt chủ đề trong các tác phẩm của ông đó là Đà Lạt, về thiên nhiên, cây cỏ, hoa, lá, mây trời của thành phố đáng yêu này. Hơn 30 năm cầm máy và sáng tác, ông là tác giả của rất nhiều bức ảnh và bộ ảnh nổi tiếng, tổ chức rất nhiều cuộc triễn lãm ảnh. Nhắc đến Đà Lạt là nhắc đến MPK, người giữ hồn cho thành phố này.


5/ Xuân Giang – bà chủ quán cafe Cung Tơ Chiều

Đà lạt với rừng thông, đồi núi, không khí se lạnh như làm tăng thêm chất xúc tác cho những bản tình ca của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ở đây có một người đàn bà mỗi đêm ôm đàn hát những bản tình ca của ông một cách say mê, vừa nồng nàn, vừa sâu lắng như chạm vào tâm hồn của người nghe. Đó chính là Xuân Giang, bà chủ quán café Cung Tơ Chiều. Đây không hẳn là một quán café quá nổi tiếng nhưng ở đây có một bà chủ rất cá tính với những quy định mà không chỗ nào có được. Sẵn sàng mời khách ra khỏi quán nếu vi phạm nội quy dù chỉ một lần. Tất cả cũng chỉ nói lên sự trân trọng của chị dành cho những ai thực sự yêu thích những bản nhạc Trịnh mà chị thể hiện. Phải chăng vì lẽ đó mà người ta gọi chị là “Người đàn bà điên” của thành phố Đà Lạt.


6/ Cố nghệ nhân Mười Lời – ông chủ của Thung lũng hoa đào

Nhắc đến thung lũng hoa đào là nhắc tới ông, cố nghệ nhân Mười Lời, người đã có công trong việc lai ghép giữa đào Đà Lạt và đào Nhật Tân Hà Nội tạo nên những loại bích đào, liễu đào và hồng đào với màu sắc khác lạ, lôi cuốn. Không dừng lại đó tại thung lũng hoa đào, ông cũng đã thành công với những loại hoa và cây ăn quả khác, hội tụ những gì tinh túy nhất của cây trái ba miền về đây. Đây cũng là địa chỉ được nhiều du khách ghé thăm, thưởng ngoạn vẻ đẹp của đào và mua về cho mình một cành đào đỏ thắm trưng trong nhà vào dịp Tết cổ truyền hàng năm.


7/ Họa sĩ Vi Quốc Hiệp – người say mê vẽ biệt thự cổ Đà Lạt

Sinh ra và lớn lên ở Lạng Sơn nhưng lại gắn bó cuộc đời và sự nghiệp của mình tại phố núi Đà Lạt. Như một cái duyên đã định, họa sĩ Vi Quốc Hiệp phải lòng những ngôi biệt thự cổ được xây dựng từ thời Pháp thuộc tại đây. Ông quan sát, chiêm nghiệm, chờ đợi để truyền tải được những thời khắc bốn mùa vào trong tranh của mình. Và Biệt thự cổ Đà Lạt trong sương, Biệt thự cổ Đà Lạt mùa thu, Biệt thự cổ Đà Lạt mùa thạch thảo, Biệt thự cổ Đà Lạt mùa hoa dại lần lượt ra đời. Hơn 400 bức tranh về biệt thự cổ đã nói lên tình yêu của ông dành cho Đà Lạt và chính ông cũng xác lập kỉ lục Việt Nam với bức tranh chân dung bác sĩ Alexandre Yersin được kết từ 10.000 hạt đậu từ 9 loại đậu khác nhau.

Hỏi tour: 0935 43 0234 | Zalo: 0911 28 6886