Một Đà Nẵng như tôi cảm nhận!

Ngày đăng: 04/08/2017
Nghe danh Đà Nẵng sạch, đẹp, con người thân thiện đã lâu, nhưng chỉ đến khi được tận mục sở thị, tôi mới cảm nhận hết những điều trân quý ấy…

Mỗi khi hồi tưởng về chuyến du lịch đến Đà Nẵng, tôi thường nhớ lại bao khuôn mặt hiền hậu, thân thiện cùng những món ăn bình dị mà khó quên nơi đây.


Nghe danh Đà Nẵng sạch, đẹp, con người thân thiện đã lâu, nhưng chỉ đến khi được tận mục sở thị, tôi mới cảm nhận hết những điều trân quý ấy. Buổi chiều ngày đầu tiên ở Đà Nẵng, sau khi tắm biển, bụng đói cồn cào, tôi mua một bắp ngô luộc để cùng con trai (hai tuổi) ăn lót dạ. Bóc phần vỏ ngô xung quanh, nhưng theo thói quen, tôi không bẻ phần bẹ mà để cầm cho đỡ dính tay. Thấy chị bán ngô đứng chờ hai mẹ con tôi như đang trông ngóng một điều gì đó, tôi bảo: “Em không mua gì nữa đâu chị ạ, chị đi bán hàng đi”. Chị bán ngô cười bảo: “Chị biết là em mua xong rồi, nhưng chị đợi em ăn xong để lấy vỏ ngô. Nếu em vứt lung tung, không đúng nơi quy định thì chị và những người bán hàng rong sẽ không được tiếp tục công việc nữa”. Tôi đáp lời: “Chị yên tâm, em hiểu rồi, em sẽ vứt vào thùng rác ạ!”. Chị mỉm cười, thở phào, bảo: “Cảm ơn em, lát nữa chị quay lại”.


Ăn xong bắp ngô, tôi sai con trai đi vứt rác đúng nơi quy định, rồi cầm đồ đạc ra về thì thấy chị bán ngô đi đến. Chị cười với chúng tôi. Trên đường từ bờ biển về khách sạn, tôi để ý mặt cát và phố sá, chỗ nào cũng sạch sẽ, không hề có rác. “Phải rồi, nếu như tất cả mọi người đều có ý thức như chị bán ngô kia thì bói đâu ra rác ở nơi công cộng”, tôi nghĩ.


Người thứ hai khiến tôi ấn tượng là xe ôm “bất đắc dĩ”. Tối thứ 7 hôm đó, tôi cho con đi xem rồng phun lửa, phun nước. Khi ra về, chúng tôi không thể nào gọi hay vẫy taxi được vì quá đông. Chừng nửa tiếng sau, lúc tôi đã mỏi rã rời vì đi giày cao gót và phải bế con suốt trên tay. May thay, một cậu thanh niên chừng ngoài 20 tuổi lại gần và nói: “Chị có cần em giúp không, giờ này đông lắm, chị không vẫy được taxi đâu. Nếu chị không chê thì lên xe em đưa mẹ con chị về”. Tôi hỏi: “Từ đây về đường Dương Đình Nghệ hết bao nhiêu tiền hả em”. Cậu thanh niên cười và bảo: “0 đồng chị ạ. Em ngồi uống nước ở kia (chỉ tay ra phía sân khấu dưới chân cầu), thấy chị vẫy xe không được nên em đến chở giúp thôi”. Thấy cậu thanh niên có vẻ thật thà, hiền lành, mà con đã quá giờ đi ngủ, tôi liền nhờ vả: “Vậy làm phiền em đưa mẹ con chị về với”.


Trên xe, tôi hỏi thăm và được biết, cậu tên là Hùng, sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Hùng hỏi: “Chắc ban nãy chị sợ em thấy chị không gọi được taxi nên sẽ hét giá cao đúng không?”. Chưa cần nghe tôi trả lời, Hùng bảo: “Người Đà Nẵng chúng em thân thiện, nhiệt tình thế đấy, kể cả dân tứ xứ về đây làm ăn cũng thật thà lắm! Hầu như rất hiếm trường hợp khách bị chặt chém. Sống ở mảnh đất thiên nhiên tươi đẹp, cảnh sắc hữu tình như thế này không vui vẻ sao được. Mảnh đất tạo con người, chị nhỉ!”. Tôi gật gù rồi cảm ơn Hùng, cố nhét vào tay cậu sinh viên tờ 100 ngàn đồng để đáp lễ, nhưng cậu nhất quyết từ chối. Ngày hôm sau, tôi định bụng mời Hùng đi ăn với gia đình một bữa, trước khi trở về Thủ đô, nhưng vì mải lo cho con nên quên mất là tối qua chưa xin số điện thoại. Một lần nữa, tôi lại bị chàng sinh viên ấy ám ảnh.


Không chỉ con người thân thiện, cảnh sắc như chốn thần tiên hớp hồn, tôi còn bị mê hoặc bởi những món ăn vặt danh bất hư truyền nơi đây. Ấn tượng nhất phải kể đến bánh tráng cuốn thịt heo ở chợ Cồn. Chị chủ quán mang một chiếc khay lớn, bày biện nhiều loại rau tươi, các quả ớt xanh, đỏ, một chén mắm “mặn mòi” đặc trưng và một vài miếng bánh mỏng làm từ gạo cho chúng tôi. Quá nhiều thứ trên bàn, trong phút chốc, làm cho tôi lúng túng. Chị chủ hướng dẫn cách ăn, hương thơm của những lát thịt heo nóng hổi cùng chén “mắm cái” đã “thức tỉnh” tôi trở lại. Lấy một miếng bánh tráng, cuộn bên trong những lát thịt tươi ngon, thêm một nắm rau xanh, rau mùi như bạc hà, búp chuối, rau húng, và cuối cùng, chấm vào chén mắm sóng sánh. Quả thật, đây là một sự kết hợp tuyệt vời giữa hương vị và cách bày trí, hấp dẫn người ăn ngay từ miếng đầu tiên và thơm ngon đến miếng cuối cùng. Chị chủ quán còn nói thêm rằng, món chế biến đơn giản và phù hợp khi thưởng thức ở nhà cùng gia đình. Tôi mua ít bánh tráng và nước chấm để khi về Hà Nội làm cho đại gia đình thưởng thức.


Kế đến phải kể tới mỳ Quảng – món ăn đã thấm sâu vào tiềm thức của mỗi người dân miền Trung. Mỳ được cắt thành từng sợi vuông vức, to bản, nằm cạnh những con tôm, những miếng thịt gà, thịt heo hoặc thịt bò, và luôn có một vài cọng rau mùi điểm tô thêm sắc màu cho tô mỳ đang bốc khói nghi ngút. Sợi mỳ vàng óng màu nghệ tươi làm nổi bật lên màu đỏ của thịt và sắc xanh của rau và ớt. Tôi không ăn được cay, nhưng khi ăn mỳ Quảng nhất định phải ăn kèm những trái ớt xanh, loại ớt to và thơm nồng, chỉ có tại vùng đất này. Tất cả hòa quyện vào nhau trong mỗi đũa thức ăn tạo nên những hương vị lạ miệng cho thực khách. Còn cả nem lụi, mít trộn, chè sầu, chè chuối, mực rim,… cũng khiến các “thượng đế” nhớ mãi khi phải chia xa.


Tôi sẽ lưu giữ mãi những câu chuyện chân thực, nhớ mãi những khuôn mặt hiền hậu đầy ám ảnh, cả hương vị dân dã của miền đất “biển mặn, nắng cháy” này. Đà Nẵng ơi! Hãy mãi sạch và đẹp như thế nhé! Chắc chắn, tôi sẽ còn quay trở lại thành phố này thêm nhiều lần nữa.

Hỏi tour: 0935 43 0234 | Zalo: 0911 28 6886