Thuyết Minh về tuyến điểm Nha Trang

Nha Trang là một thành phố ven biển và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Trước khi trở thành phần đất của Việt Nam, Nha Trang thuộc về Chiêm Thành. Các di tích của người Chăm vẫn còn tại nhiều nơi ở Nha Trang.

Nha Trang được Thủ tướng chính phủ Việt Nam công nhận là đô thị loại 1 vào ngày 22 tháng 4 năm 2009. Đây là một trong 4 đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh cùng với Huế, Đà Lạt và Vinh

Các bãi biển đẹp của thành phố này đã biến nó thành một danh lam thắng cảnh. Nơi đây cũng được biết đến như một địa điểm lý tưởng để tổ chức các sự kiện lớn như Festival Biển (Nha Trang), hay các cuộc thi sắc đẹp lớn như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ 2008, Hoa hậu Thế giới 2010...

Thành phố Nha Trang hiện nay có diện tích tự nhiên là 251 km², dân số 350.375 người (2005). Phía Bắc giáp huyện Ninh Hòa, phía Nam giáp thị xã Cam Ranh và huyện Cam Lâm, phía Tây giáp huyện Diên Khánh, phía Đông giáp Biển Đông.

Nha Trang nằm ở phía Đông Đồng bằng Diên Khánh - Nha Trang. Một đồng bằng được bồi lấp bởi sông Cái Nha Trang có diện tích gần 300 km², địa hình đòng bằng bị phân hóa mạnh:

- Phần phía Tây dọc sông Chò từ Khánh Bình đến Diên Đồng bị bóc mòn, độ cao tuyệt đối khoảng 10-20 m

- Phần phía Đông là địa hình tích tụ độ cao tuyệt đối dưới 10m, bề mặt địa hình bị phân cắt mạnh bởi các dòng chảy.

Nha Trang gồm 27 đơn vị hành chính, trong đó có:

- 19 PHƯỜNG NỘI THÀNH LÀ: Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Xương Huân, Vạn Thắng, Vạn Thạnh, Phương Sài, Phương Sơn, Ngọc Hiệp, Phước Hòa, Phước Tân, Phước Tiến, Phước Hải, Lộc Thọ, Tân Lập, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Phước Long (thành lập tháng 11/ 1998), Vĩnh Hòa (thành lập tháng 4/ 2002)

- 8 XÃ NGOẠI THÀNH LÀ: Vĩnh Phương, Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thái, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Lương và Phước Đồng.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là "sông Lau", tiếng người Chăm, tức là gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, con sông này đổ ra biển đúng chỗ có nhiều cây lau). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.


Về địa danh "Nha Trang", trong Toàn tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư, tập bản đồ Việt Nam do nho sinh họ Đỗ Bá soạn vào khoảng nửa sau thế kỷ 17 đã thấy có tên "Nha Trang Môn" (cửa Nha Trang). Trong một bản đồ khác có niên đại cuối thế kỷ 17 mang tên Giáp Ngọ Niên Bình Nam Đồ của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt cũng thấy ghi tên "Nha Trang Hải môn" (cửa biển Nha Trang). Trong thư tịch cổ Việt Nam, đây có lẽ là những tài liệu sớm nhất đề cập đến địa danh này. Trong Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn đã có nhiều tên gọi Nha Trang như "đầm Nha Trang, dinh Nha Trang, nguồn Nha Trang, đèo Nha Trang".

ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG: Trước đây có thể bay đến Nha Trang và hạ cánh ngay trong thành phố tại sân bay Nha Trang, nguyên là một sân bay quân sự nằm trên đường Trần Phú. Hiện nay, sân bay Nha Trang đã đóng cửa và khách du lịch có thể tới thành phố biển này bằng sân bay quốc tế Cam Ranh, cách đó khoảng 40 km.

GIAO THÔNG NỘI THÀNH: Nha Trang có 6 tuyến xe bus nội thành và 1 xe bus sân bay

ĐƯỜNG THỦY: Nha Trang có cảng Nha Trang, chủ yếu là vận chuyển hành khách qua lại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

ĐƯỜNG SẮT: Ga Nha Trang là một trong những ga lớn trên tuyến đường sắt Bắc Nam của Việt Nam. Tất cả các tuyến tàu lửa đều dừng ở đây. Ngoài các tàu Thống Nhất, còn có các chuyến tàu SN1-2, SN3-4 và gần đây có thêm chuyến tàu 5 sao đầu tiên chạy tuyến Sài Gòn-Nha Trang.


ĐẶC SẢN NHA TRANG


Ngoài các sản vật biển, Nha Trang có nước yến/yến sào (hay tổ chim yến được chúng làm từ nước dãi của mình) và nem nướng Ninh Hòa. Ngoài ra, nói đến các món dân dã Nha Trang còn nổi tiếng qua món bún cá hay bánh căn. Với món bánh canh Nha Trang thì không giống với bất kỳ ở một địa phương nào khác, nước lèo được làm từ chất ngọt của cá cộng với bột bánh canh tạo nên một hương vị khó quên. Ngoài ra tại Nha Trang còn có bong bóng cá , vi cá , nước mắm, khô cá thu được xếp vào loại ngon . Hải sản Nha Trang đa dạng và phong phú với rất nhiều loại và vô số những món ăn khác nhau, nổi tiếng có món nhum - còn gọi là cầu gai hay nhím biển ăn sống với cải bẹ xanh .


VỊNH NHA TRANG

Vịnh Nha Trang có diện tích khoảng 507km² bao gồm 19 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó Hòn Tre là đảo lớn nhất, với diện tích 3.250 hecta; đảo nhỏ nhất là Hòn Nọc chỉ khoảng 4 hecta. Vịnh có khí hậu hai mùa rõ rệt Mùa khô kéo dài từ tháng giêng đến tháng 8, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12; nhiệt độ bình quân hàng năm là 260C; nóng nhất 390C, lạnh nhất 14,40C.


Trong số các đảo trong vịnh có nhiều đảo là các thắng cảnh nổi tiếng như:

- HÒN MIỄU: (còn gọi đảo Bồng Nguyên) nơi có Thủy Cung Trí Nguyên với những sinh vật biển kỳ lạ. Cách hồ là bãi sỏi đủ màu, đủ dáng, trải thành từng lớp trên bờ thay cho cát trắng

- HÒN MUN: với những hang động hiểm trở, đá trên đảo có màu đen tuyền như gỗ mun nhưng bãi tắm lại được lát bằng đá trắng. Dưới đáy biển ven đảo là rừng san hô bạt ngàn với nhiều sinh vật biển kỳ lạ. Hòn Mun là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam

- HÒN TẰM: Với những bãi tắm tô điểm bằng những đá vân màu sặc sỡ trắng, xanh, nâu, đen... Dọc bãi tắm là bóng mát của những hàng cây ăn quả bao gồm xoài, mít, sa-pô-chê... Phía sau đảo này có một hang đá rất đặc biệt, kỳ bí mới được ngành du lịch phát hiện và đưa vào khai thác. Đó là hang Dơi, nơi có rất nhiều đàn dơi cư trú trên những vách đá cheo leo ở độ cao 60m.

- HÒN TRE: Là đảo lớn nhất trong vịnh với bãi cát trắng trải dài mênh mông, nước biển ở đây xanh biết. Đi về phía cuối bãi là những làng chài nho nhỏ.Trên đảo có hiện có nhiều dự án du lịch như Khu du lịch Con sẻ tre, Vinpearlland, Công viên văn hóa Hòn Tre, Khu du lịch sinh thái Bãi Sỏi...

- HÒN CHỒNG - HÒN VỢ: Là những quần thể đá lớn với đủ loại hình thù, xếp chồng lên nhau chạy từ bờ cao xuống biển

Hòn Nội (Đảo Yến) có bãi cát đẹp nhưng ít dùng cho du lịch chủ hoạt động chủ yếu trên đảo là khai thác Yến sào


HÒN CHỒNG

Là một thắng cảnh tự nhiên ở thành phố Nha Trang, thuộc khóm Hòn Chồng, phường Vĩnh Phước. Khu vực này là một bãi đá được xếp chồng lên nhau một cách tự nhiên, ngoài ra còn có Hòn vợ ở gần đó và Hội quán vịnh Nha Trang có dạng nhà rường Huế được xây ở phía trên.

Hòn Chồng gồm 2 cụm đá lớn nằm bên bờ biển dưới chân đồi La-san, có thể được tạo nên do sự xâm thực của thủy triều lên ngọn đồi này. Cụm đá lớn ở ngoài biển gọi là Hòn Chồng, gồm một khối đá lớn vuông vức nằm trên một tảng đá bằng phẳng và rộng hơn, phía mặt đá quay ra biển có một vết lõm hình bàn tay rất lớn. Tục truyền rằng, thuở xưa ông khổng lồ ngồi câu cá nơi đây, có một con cá cũng khổng lồ cắn câu lôi đi, ông phải kéo lại, tay cầm cần câu, tay tì vào tảng đá lấy đà khiến bàn tay ấn vào đá và để lại dấu như đã thấy. Theo một truyền thuyết khác, xưa có một người khổng lồ đến xứ này ngoạn cảnh, gặp bầy tiên nữ đang tắm, ông dừng lại say sưa ngắm và vô tình trượt chân ngã, ông vội bám tay vào núi khiến sườn núi sụp đổ, đá văng xuống để lại vết tay ông hằn trên đá. Dấu chân trượt ngã đủ năm ngón cũng để lại dấu tích ở khu vực Suối Tiên.

Đi giữa bãi đá còn nhiều tảng đá chồng chất kỳ lạ như cảnh hai hòn đá dựng đứng, giữa có chẹt một hòn đá lớn như cái cổng qua một cụm đá khác. Cụm đá thứ hai có hình dáng một người phụ nữ ngồi trông ra biển - được đặt một cái tên có ý nghĩa gần gũi với Hòn Chồng - đó là Hòn Vợ, cụm đá này ít được du khách để ý hơn.

Đứng trên Hòn Chồng nhìn ra xa là Hòn Yến, quay về bên phải là Cảng Cầu Đá, Hòn Tre và bờ biển Nha Trang dài tới 6km. Khuất bên mũi đồi Lasan, nhô ra biển là cửa sông Nha Trang, bến cá Cù Lao. Nhìn từ phía Hòn Chồng phía bên kia là núi Cô Tiên. Từ vị trí bên Hòn Chồng sẽ nhìn rất rõ Hòn Đỏ (nơi đặt ngôi chùa) ở phía xa.

Ngoài ra, ở mặt đường trên đường đi xuống Hòn Chồng còn có Hội quán Vịnh Nha Trang, nơi trưng bày nhiều tranh ảnh về Hòn Chồng và các thắng cảnh ở Nha Trang. Hội quán được thiết kế theo phong cách nhà rường Huế.

CHÙA LONG SƠN

“Ai về viến cảnh Khánh Hòa

Long Sơn nên ghé, Tháp Bà đừng quên

Kim thân Phật Tổ nhớ lên

Nhìn Ông Phật Trắng ngồi trên lưng trời”

Hay còn gọi là Chùa Phật trắng trước có tên là Đăng Long Tự, tọa lạc ở số 22 đường 23 tháng 10, phường Phương Sơn dưới chân núi Trại Thủy ở Nha Trang. Ngôi chùa này được xây dựng cách đây hơn một trăm năm, trải qua nhiều lần trùng tu, và đến nay là ngôi chùa nổi tiếng nhất Khánh Hòa.

Chùa Long Sơn do nhà sư Ngộ Chí (sinh năm 1856, pháp danh Phổ Trí, tên tục là Nguyễn Tám Văn Nghi, theo dòng Thiền Lâm tế đời thứ 39) lập năm 1886 với tên gọi là Đằng Long tự. Ban đầu chùa chỉ là một căn nhà tranh nằm tại đỉnh đồi Trại Thủy (nơi đặt tượng Phật trắng hiện nay). Năm 1900, chùa bị sập sau một cơn bão, nên nhà sư quyết định dời xuống chân núi và đổi tên chùa thành Long Sơn tự.

Năm 1936, theo di nguyện của sư Ngộ Chí, chùa được tiến cúng cho Hội An Nam Phật học để làm trụ sở chấn hưng Phật giáo Khánh Hòa, đến nay vẫn là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa. Năm 1938 (năm Bảo Đại thứ 14), chùa được phong "Sắc tứ Long Sơn tự".

Năm 1941 chùa được trùng tu với công lao chính của Hội trưởng Tôn Thất Quyền và Phật tử Võ Đình Thụy. Năm 1968, chùa bị sạt mái ngói do chiến tranh. Năm 1971, Thượng tọa Thích Thiện Bình đứng ra trùng tu chùa và cho đến năm 1975, việc trùng tu mới thực hiện được 60% theo bản thiết kế của kiến trúc sư Võ Đình Diệp.

Khuôn viên chùa có chiều rộng 44,5 m, chiều dài hơn 72 m. Bên cạnh chùa là giảng đường của Trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa và trụ sở của Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa. Chính điện rộng 1.670 m², có một tượng Phật Tổ bằng đồng đang ngồi thuyết pháp, cao 1,6 m, nặng 700 kg.

Từ chùa, muốn lên đến đỉnh đồi Trại Thủy phải đi lên 193 bậc tam cấp. Tại bậc thứ 44 là tượng Phật Tổ nhập Niết Bàn dài 17 m, cao 5 m, đằng sau tượng là bức phù điêu mô tả cảnh 49 đệ tử túc trực niệm phật. Tượng được xây dựng năm 2003. Lên khỏi tượng Phật nằm 5 mét là tháp chuông với quả đại hồng chung cao 2,2 m, nặng 1.500 kg do phật tử tại Huế tặng năm 2002.

Trên đỉnh đồi là bức tượng Kim Thân Phật tổ (còn gọi là tượng Phật trắng) ngồi thuyết pháp, tượng cao 21 m, đài sen làm đế cao 7 m, rất dễ nhìn thấy tại một khu vực rộng xung quanh Chùa. Tượng được xây từ năm 1963 do sự đóng góp của tăng ni phật tử của vùng lân cận. Xung quanh đài sen là chân dung bảy vị hòa thượng, đại đức đã tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của Ngô Đình Diệm trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 năm 1963. Dưới chân đài sen là bức tường chia thành những ngăn nhỏ để chứa hài cốt do các gia đình Phật tử gửi.


KỶ LỤC


Chùa có bức tượng Kim Thân Phật Tổ được xếp vào sách kỷ lục Guiness Việt Nam : “Ngôi chùa có bức tượng Phật ngoài trời lớn nhất Việt Nam” ( theo sách kỷ lục Việt Nam )

THỦY CUNG TRÍ NGUYÊN

Ðảo Cá ở Nha Trang thuộc vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa còn gọi là Hòn Miễu, đảo Bồng Nguyên. Hòn Miễu là đảo gần bờ nhất trong số các hải đảo ở Nha Trang, chỉ mất hai mươi phút bằng thuyền máy là đến nơi. Trên đảo có hai địa điểm tham quan du lịch là hồ cá Trí Nguyên và bãi tắm Bãi Sỏi.


Theo mô hình là một con tàu ma được xây từ năm 1971. Ðây cũng là một điểm hấp dẫn vì được xây dựng theo mô hình một con tàu hóa thạch dài 60 m, cao 30 m nằm dưới biển, ven bờ hải đảo, đứng từ xa cũng có thể nhìn rõ thủy cung này. Thủy cung Trí Nguyên là bộ sưu tập các loài cá biển và thực vật biển , sinh vật biển theo mô hình mở. Để phát huy hết nguồn lực nơi đây mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người, năm 1997, Công ty Du lịch Khánh Hòa đã đầu tư 10 tỷ đồng để xây dựng Thủy cung Trí Nguyên theo thiết kế khá độc đáo dạng một con tàu cổ. Trong con tàu được chia thành các tầng: tầng trệt có hồ nuôi cá; tầng 2 là nơi bán hàng lưu niệm, mỹ nghệ và nhà hàng nằm ở tầng 3. Trên boong tàu là cột buồm và khẩu súng thần công, đây cũng là vị trí lý tưởng để ngắm nhìn biển từ trên cao.

Hồ cá ở đây được ngăn bằng hệ thống kè đá san hô đủ cao để mực nước trong hồ bao giờ cũng ngang với mực nước biển. Giữa các hồ cá là những lối đi rộng được lát bằng đá núi hoặc bê-tông. Phần lớn các hồ cá có diện tích 150 - 200 m2. Hồ lớn nhất và nuôi nhiều loại cá nhất rộng đến 3 ha. Chung quanh hồ, dọc theo đường đi còn trồng nhiều loại cây như sứ trắng, hoàng lan, phi lao, bàng lá tròn... Hệ thống hồ cá ở đây chia làm 2 dạng : ngoài trời và trong nhà. Nếu tính từ bờ đi vào, hồ cá lộ thiên là nơi nuôi đủ các loại cá quen thuộc như cá thu, cá ngừ, cá nục, cá đuối... ẩn mình trong hang đá là những chú mực, tôm hùm khổng lồ, có con nặng đến 3 kg.


- HỒ TRONG NHÀ nhỏ hơn hồ lộ thiên, cá cũng nhỏ hơn nhưng thuộc loại đắt tiền nhất. Ðó là các loại cá cảnh với đủ mầu sắc độc đáo.

- HỒ THỨ BA có thể nói là hồ độc đáo nhất. Ðây là hồ nuôi đồi mồi, rùa biển. Có những con rùa nặng hơn 100 kg và lớp mai trên lưng có đường kính 1,5 m phủ đầy rong rêu, sò ,ốc bám vào. Du khách chỉ cần ngồi trên kè đá dùng đôi chân khuấy nhẹ mặt nước hay thả vài mẩu bánh mì là có thể nhìn thấy cả một đàn đồi mồi hay rùa biển tụ lại.

- HỒ THỨ TƯ rộng mênh mông, tiếp giáp với chân đồi và bãi biển. Hồ này nuôi đủ loại cá biển từ loại nhỏ xíu như cá cơm cho đến loại cá nặng vài ba tạ. Ðây là hồ cá mà trẻ con ưa thích nhất bởi những bầy cá gỗ được đẩy tới bằng sức đạp, đạp ra giữa hồ để ngắm nhìn thỏa thích đủ loại cá nhởn nhơ bơi lội dưới nước.


BÃI SỎI (BÃI SẠN)

Nằm cách hồ cá Trí Nguyên chừng vài trăm mét bằng cách băng ngang qua đảo. Gọi là Bãi Sỏi vì bãi tắm ở đây không hề có cát mà chỉ thấy toàn sỏi đá, tròn vo, nhẵn thín từ bờ chạy ra biển nước trong xanh nhìn thấy đáy. Bãi Sỏi còn giữ được nguyên vẻ hoang sơ, trước mặt là biển, sau lưng là khu rừng nguyên sinh với nhiều đại thụ và dây leo chằng chịt.

ĐẢO HÒN TRE

Là đảo lớn nhất nằm trong vịnh Nha Trang. Đảo có diện tích trên 3000 ha, cách thành phố Nha Trang 5km về phía Đông và cách cảng Cầu Đá 3,5 km, Dân cư chủ yếu là khách du lịch. Đảo có những bãi biển nhỏ, hoang sơ, thảm thực vật gồm rừng cây nhỏ.


DỐC LẾT, HAY DỐC LẾCH

Thuộc xã Ninh Hải, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam là một bãi biển trari dài với bãi cát trắng cao phía trên hàng dương, ngăn cách đất liền với biển. Khu du lịch Dốc Lết hiện nay là địa điểm tham quan du lịch khá hấp dẫn ở Khánh Hòa.

Cách trung tâm thành phố biển Nha Trang 49km dọc theo Quốc lộ Bắc, Dốc Lết như được đánh thức một tiềm năng thiên nhiên sẵn có và đang trở thành một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng và du lịch biển kỳ thú. Khu nghỉ mát tuyệt vời bên bãi biển mang đậm phong cách Việt Nam.

Gọi là Dốc Lết vì nơi đây có những cồn cát trắng tinh chạy dài, cao hàng chục mét phía trên hàng dương, ngăn cách đất liền với biển. Từ đất liền, muốn ra được biển, người ta chỉ còn cách vượt qua cồn cát, mệt mỏi tới mức phải “lết” trên cát mà đi .

Cảnh quan thiên nhiên trên bờ, vùng biển trước mặt của Dốc Lết đều hấp dẫn du khách. Nơi đây cũng rất gần vịnh Vân Phong nổi tiếng, một trong những điểm du lịch quốc tế (OMT) đã tiến hành khảo sát và đánh giá rất cao về tương lai phát triển du lịch của vùng này. Đến Dốc Lết, ngoài khu du lịch bờ biển, du khách có thể đi thăm làng chài, đồng muối Hòn Khói, vùng Hòn Hèo. Khu du lịch đa dạng với các loại hình giải trí như hồ bơi , kiot , khách sạn , nhà hàng, v..v.

Gần khu du lịch là một chợ bán hàng hải sản rất phong phú với giá cả rẻ.


PO NAGAR HAY THÁP BÀ

Là ngôi đền nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 50 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái (sông Nha Trang) tại Nha Trang, cách trung tâm thành phố khoảng 2 km về phía bắc, nay thuộc phường Vĩnh Phước. Tên gọi "Tháp Po Nagar" được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất cao khoảng 23 mét. Ngôi đền này được xây dựng trong thời kỳ đạo Hindu (Ấn Độ giáo) đang cường thịnh khi Chăm pa trong giai đoạn có tên gọi là Hoàn Vương Quốc, vì thế tượng nữ thần có hình dạng của Umar, vợ của Shiva.


Nữ vương Po Nagar - còn gọi là Yan Pu Nagara, Po Ino Nagar hay Bà Đen (nguời Việt Nam gọi là Thiên Y Thánh Mẫu Ana) - là vị nữ thần được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển, người tạo dựng ra trái đất, sản sinh gỗ quí, cây cối và lúa gạo. Bà có 97 chồng, trong đó chỉ một mình Po Yan Amo là người có uy quyền và được tôn trọng hơn cả. Bà có 38 người con gái, tất cả đều hóa thân thành nữ thần, trong đó có ba người được người Chăm chọn làm thần bảo vệ đất đai và còn thờ phụng cho tới ngày nay: Po Nagar Dara, nữ thần Kauthara (Khánh Hòa); Po Rarai Anaih, nữ thần Panduranga (Ninh Thuận) và Po Bia Tikuk, nữ thần Manthit (Phan Thiết).


Tương truyền, tượng bà Thiên Y Thánh Mẫu Ana theo tín ngưỡng phồn thực của người Chăm, không có quần áo. Po Nagar hiện nay được người Việt Nam sử dụng, nhưng đã cho nữ thần ăn mặc theo kiểu Phật. Ngôi đền này cũng nổi tiếng đối với các du khách.


Ngôi tháp bằng gỗ trước kia thờ nữ vương Jagadharma (công chúa Tchou Koti hay Thiên Y Thánh Mẫu) (cai trị Lâm Ấp từ năm 646 đến năm 653) được Prithi Indravarman cho xây dựng lại bằng vật liệu cứng tại Aya Tră (Nha Trang), trên một ngọn đồi cao cạnh cửa sông Cái (Xóm Bóng), để thờ tượng nữ thần Bhagavati (bằng vàng). Năm 774, quân Nam Đảo (Java, Indonesia) vào cướp phá. Đền Po Nagar, bị quân Nam Đảo phá hủy, sau đó được Satyavarman cho dựng lại bằng gạch, năm 784 thì hoàn thành và tồn tại cho tới ngày nay, nhưng cũng đã bị hủy hoại một phần đáng kể. Sau này quốc vương Harivarman I và con trai ông là Vikrantavarman III sau này có thể đã lần lượt xây dựng thêm 5 tháp nữa.


Những cấu trúc xây dựng còn sót lại có niên đại sớm nhất, theo Trần Kỳ Phương là mandapa?? - nó đã được xây dựng vào thời gian nào đó trước khi có câu khắc trên bia vào năm 817, có nói tới nó. Trần Kỳ Phương cho rằng tháp nhỏ ở phía tây bắc có niên đại khoảng thế kỷ 10, và ngôi tháp chính có niên đại khoảng thế kỷ 11.


Những bia ký còn sót lại ở Po Nagar cho người ta thấy được dấu vết của một quốc gia hùng mạnh đã từng tồn tại trong quá khứ.


Tổng thể kiến trúc của Po Nagar gồm 3 tầng, đi từ dưới lên trên.


- TẦNG THẤP: Ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng mà nay không còn nữa. Từ đấy có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa.

- TẦNG GIỮA: Nơi đây hiện chỉ còn hai dãy cột chính bằng gạch hình bát giác, mỗi bên 5 cột có đường kính hơn 1 mét và cao hơn 3 mét. Ở hai bên các dãy cột lớn có 12 cột nhỏ và thấp hơn, tất cả lại nằm trên một nền bằng gạch cao hơn 1 mét. Dựa vào cấu trúc này người ta cho rằng đây vốn là một tòa nhà rộng lớn có mái ngói, là nơi để khách hành hương nghỉ giải lao và sắm sửa lễ vật trước khi lên dâng cúng ở các điện bên trên. Từ tầng giữa này, lại có một dãy bậc thang bằng gạch dốc hơn dẫn lên tầng trên cùng.

- TẦNG TRÊN CÙNG: Là nơi các tháp được xây dựng, ngay trước mặt ngôi tháp chính. Những bậc thang này từ lâu đã không hề được sử dụng. Bậc thang bằng đá ong thấy hiện nay ở phía nam tháp Bà rộng lớn hơn được xây vào thập niên 1960 do nhu cầu du lịch gia tăng.

Ở tầng trên, có hai dãy tháp được bao quanh bởi bốn bức tường đá mà nay chỉ còn lưu lại tường phía tây và nam mà thôi. Dãy tháp phía trước có 3 ngôi, và dãy phía sau vốn có dấu vết của 3 ngôi tháp khác, thế nhưng nay chỉ còn 1, chúng chạy song song với nhau. Cả 4 tháp còn lại được xây dựng theo kiểu tháp của người Chăm, gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Lòng tháp rỗng tới đỉnh, cửa tháp quay về hướng đông. Mặt ngoài thân tháp có nhiều gờ, trụ, đấu. Trên đỉnh các trụ, thường đặt gạch trang trí hoa văn hình vòm tháp, trông như chiếc tháp nhỏ đặt lên một tháp lớn. Trên thân tháp còn có nhiều tượng và phù điêu bằng đất nung, trong đó có hình Po Nagar, thần Tenexa, các tiên nữ, các loài thú: nai, ngỗng vàng, sư tử...

- THÁP THỜ CHÍNH: ở dãy trước khá lớn và cao khoảng 23 mét, là tháp Po Nagar, mà ta hay gọi là tháp Bà. Nguyên thủy chính là tháp thờ thần Parvati, vợ của Shiva. Tháp chính thờ thần Po Nagar (Umar), vợ của thần Siva. Tháp Bà xây 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá, ở 4 góc có 4 tháp nhỏ. Bên trong là tượng nữ thần (cao 2,6 m) tạc bằng đá hoa cương màu đen (trước đó là gỗ trầm hương, và xa hơn nữa là bằng vàng) ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề. Đây là một kiệt tác về điêu khắc Chămpa, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi. Người Pháp đã lấy mất đầu tượng, nay chỉ còn đầu tượng bằng xi măng vẽ mặt. Rải rác quanh di tích còn có một số tượng người, tượng thú... Trên đỉnh tháp có tượng thần Shiva cỡi ngưu thần Nandin, và các tượng linh vật như chim thiên nga, dê, voi v.v. Mặt ngoài tường tháp lại được trang trí bởi những hình điêu khắc vào đá như những vũ công, người chèo thuyền, xay gạo hay đi săn với cung tên. Cửa chính ở phía đông dẫn vào một tiền sảnh, ở hai bên cửa có hai trụ đá được khắc truyền ký, đỡ một phiến đá hình thuẫn có khắc hình nữ thần Durga đang múa giữa hai nhạc công. Bên trong tháp tối và lạnh. Cuối tháp có một bệ thờ bằng đá bên dưới tượng Bà Po Nagar với mười cánh tay. Hai bàn tay dưới đặt trên hai đầu gối, các bàn tay khác thì cầm những vât dụng như đoản kiếm, mũi tên, chùy và cây lao ở bên phải và chuông, đĩa, cung và tù và ở bên trái.

- CÁC THÁP KHÁC THỜ: thần Siva (một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo), thần Sanhaka, thần Ganeca (theo truyền thuyết là con trai thần Siva). Bên cạnh tháp chính về phía nam khoảng 20 mét là một ngôi tháp khác nhỏ và ít trang trí điêu khắc hơn, cao chừng 12 mét, có thể là tháp thờ thần Shiva. Cách tháp này cũng về hướng nam là một tháp còn nhỏ hơn. Bên trong tháp không có bệ thờ mà chỉ có một linga (thạch trụ), và đây là tháp thờ thần Ganesa, thân người đầu voi, con của Shiva. Nhiều tác giả cho rằng linga là linh tượng có hình thù dương vật tượng trưng cho Shiva, dựa theo sự diễn dịch của phương Tây hơi thiên về tình dục. Thực ra, linga tiêu biểu là một trụ đá thấp có ba phần khác nhau tượng trưng cho ba linh thể: phần dưới là hình vuông tượng trưng cho Brahma, phần giữa hình bát giác tượng trưng cho Vishnu, và phần trên cùng hình tròn tượng trưng cho Rudra (hay còn gọi là Shiva). Vì thế gọi là "linh thạch trụ" thì thích hợp hơn.

Ở dãy tháp phía sau có một ngôi tháp, tương đối ít hư hại nhất ở mạn bắc, với mái dài hình yên ngựa. Kiểu mái này chỉ thấy bắt đầu ở những tháp vùng Đồ Bàn - Vijaya (Bình Định ngày nay) sau khi kinh đô được dời xuống từ Mỹ Sơn, Trà Kiệu ở thế kỷ 11. Ở tường có những hình điêu khắc như thần điểu Garuda, sư tử, các tiên nữ Apsara, rắn thần Naga. Chính dưới nền của tháp này trong khi tu sửa đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp đã khám phá và lấy mất một kho tàng được cất dấu gồm những vật cúng dường bằng vàng và bạc.

Ngày nay 2 tháp khác ở phía tây nam là tây đã bị phá hủy. Sự phân bố này làm cho người ta có sự so sánh thú vị với các tháp gạch ở Lolei, gần Angkor Wat tại Campuchia, đã được xây dựng vào thế kỷ 8.

Lễ hội Tháp Bà diễn ra từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ hội này đã được Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam xếp hạng là một trong 16 lễ hội quốc gia vào năm 2001. Những năm gần đây, Lễ hội Tháp Bà được tỉnh Khánh Hòa giao cho Sở Văn hóa Thông tin tổ chức.


Danh sách các cụm tháp Chăm Pa (thứ tự từ Bắc vào Nam, không xét các phế tích)


LIỄU CỐC - MỸ KHÁNH - BẰNG AN - MỸ SƠN - CHIÊN ĐÀN - KHƯƠNG MỸ - CÁNH TIÊN - PHÚ LỘC - BÁNH ÍT THỦ THIỆN - DƯƠNG LONG - BÌNH LÂM - THÁP ĐÔI - THÁP NHẠN - YANG PRAONG - PO NAGAR - HÒA LAI PO KLONG GARAI - PO ROME - PO DAM - PO SAH INƯ


VIỆN HẢI DƯƠNG HỌC NHA TRANG

Là một viện nghiên cứu đời sống động thực vật hải dương tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Viện Hải dương học được người Pháp thành lập năm 1922, được xem là một trong những cơ sở nghiên cứu sớm nhất ở Việt Nam và là nơi có bộ sưu tầm các hiện vật về cuộc sống hải dương lớn nhất Đông Nam Á. Ở đây có lưu trữ 20.000 mẫu của 4000 loài động thực vật biển. Ở đây có trưng bày những loại động vật quý hiếm như bò biển (dugong), bộ xương cá voi khổng lồ. Viện Hải dương học Nha Trang không những là một viện nghiên cứu mà còn là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách yêu thích sinh vật biển.


CHỢ ĐẦM

Là chợ trung tâm của thành phố biển Nha Trang, là một công trình kiến trúc đẹp, độc đáo. Đây là chợ lớn nhất và cũng là biểu tượng thương mại của thành phố biển này. Đây là trung tâm thương mại mua sắm và cũng là điểm tham quan du lịch.


Chợ có tên chợ Đầm là vì chợ nằm trên một cái đầm cũ rộng đến 7 mẫu tây, ăn thông ra cửa sông Nha Trang dưới chân cầu Hà Ra. Đầm rộng khoảng hơn 7 ha, hai bên bờ đầm là nhà ở của nhân dân, hầu hết là dân nghèo với những ngôi nhà lụp xụp, chen chúc nhau. Phía cuối đầm, giáp đầu đường Phan Bội Châu bây giờ là một ngôi chợ cũ được xây cất vào khoảng năm 1908, thường gọi là chợ Đầm hay chợ Cửa (chỉ nơi cửa sông).


Tuy nhiên, chợ cũ không thể tồn tại khi dân cư mỗi lúc một đông, tình trạng dân cư cất nhà san sát nhau mọc lên khiến cho tình trạng ô nhiễm và chợ bùng phát cảnh nhếch nhác. Trước tình hình đó, việc quy hoạch lại khu chợ này trở nên cấp thiết. Năm 1961, Ty Kiến thiết Khánh Hòa lập một dự án đại cương về quy hoạch lại khu vực chợ này, xây một ngôi chợ hình tròn thay thế cho chợ cũ.


Kiến trúc sư Lê Anh Kim đã phác họa nên một ngôi chợ mới. Năm 1964, Tổng nha Kiến thiết lập một đồ án khác do Kiến trúc sư Lê Quý Phong đề xuất, phần chính của đồ án là xây cất một ngôi chợ tròn có mái xếp và một nhánh hình cánh cung. Chính đồ án này được coi là cốt lõi cho việc xây cất ngôi chợ sau này. Cả hai đồ án chưa được thực hiện thì đêm 16-9-1968 xảy ra vụ hỏa hoạn lớn chưa từng có: 126 ngôi nhà bị cháy rụi. Tình thế cấp bách trong việc phải xây dựng lại một ntgôi chợ mới hơn, khang trang mới được đế xuất. Ngày 12-4-1969 được coi là ngày khởi sự đầu tiên của kế hoạch này với việc chiếc xáng Bassa của Nha Thủy vận Sài Gòn bắt đầu thổi cát lấp đầm. Sau 6 tháng, đầm đã bị lấp hoàn toàn với khối lượng cát đã thổi là 350.000m3. Tiếp theo là việc tạo móng, dựng nền và xây cất công trình, hàng nghìn cọc bê tông cốt sắt dài 20m đã được đóng xuống qua lớp sình lầy. Dựa theo đồ án của Kiến trúc sư Lê Quý Phong được thiết kế từ hơn 4 năm trước, các Kiến trúc sư Hồ Thăng, Võ Đình Hiệp, Kỹ sư Nguyễn Xuân Phương cải tiến và bổ sung thêm một số chi tiết. Ngôi chợ xây dựng theo hình hoa sen có đường kính 66,5m, có một tầng lầu hình vành khăn, lệch tâm. Diện tích cả tầng trệt và tầng lầu rộng tới 5.270m2, có thể cùng lúc chứa được trên 3.000 khách ra vào mua bán. Các tòa nhà của cả 2 tầng: tầng 1 và tầng 2 được xây dựng khang trang. Cuối tháng 3-1975, trước sức tiến công và nổi dậy của quân và dân ta, bọn tàn quân ngụy rút chạy từ Tây Nguyên và các nơi khác đổ về đã ngang nhiên cướp phá chợ Đầm, phóng lửa đốt chợ. Chợ Đầm vẫn tiếp tục nhóm họp nhưng mỹ quan và trật tự bị giảm sút nhiều. Một kế hoạch tu sửa lại toàn bộ ngôi nhà tròn và quy hoạch tổng thể khu chợ được xây dựng và triển khai với sự tham gia của Viện Thiết kế xây dựng và Ty Xây dựng tỉnh. Chợ chính thức sửa sang và khai trương lại vào ngày 3-2-1980 nhân ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và mừng xuân Canh Thân.


Chợ hiện nay bán rất nhiều sản phẩm gia dụng lẫn những mặt hàng lưu niệm, hải sản ..v..v. rất phong phú. Ngay tại cửa ra vào, bãi đậu xe là tơi khu vực chợ, tại các cánh cung bọc 2 bên chợ là bán hải sản, khô, nem nướng và các mặt hàng lưu niệm. Trung tâm chợ bán các mặt hàng thiết yếu


VINPEARL LAND HAY KHU DU LỊCH HÒN NGỌC VIỆT

(tên cũ cho đến tháng 12 năm 2006) là một khu du lịch sang trọng của Nha Trang nằm trên đảo hòn Tre.

Vinpearl Resort & Spa được khánh thành vào tháng 12/2003, với tổng diện tích trên 150ha và 700m bãi biển tự nhiên, đây là khu du lịch, nghỉ mát cao cấp 5 sao lớn nhất Việt Nam. Với 500 phòng nghỉ các tiêu chuẩn khác nhau.

Vinpearl Resort & Spa là khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Nằm ngay trong khuôn viên khách sạn, hệ thống bể bơi với diện tích 5.000 m2. Với bãi cát trắng thoai thoải đều ra biển với nhiều dịch vụ sang trọng phục vụ các nhu cầu vui chơi, giải trí như sân tennis, nhảy dù, lặn biển khám phá đại dương... Hệ thống các nhà hàng với sự đa dạng về khẩu vị, phong cách tạo cho du khách cảm giác được sống trong không gian vừa hiện đại, vừa thân thiện bởi thiên nhiên bao bọc.


PHƯƠNG TIỆN

Ngoài những phương tiện đi lại như canô ta-xi, tàu cao tốc và phà, khách tham quan còn có thể sang đảo Hòn Tre bằng hệ thống cáp treo dài 3320 mét, cáp treo dài nhất Việt Nam với 9 cột trụ trên biển và đất liền có hình dáng và cấu trúc giống tháp Eiffel, vào ban đêm sẽ được thắp sáng bằng laser. Hệ thống này có thể chuyên chở 1000-1500 người một giờ, giúp cho việc qua lại giữa đảo và đất liền được dễ dàng hơn.


- CÁP TREO

Được đánh giá là một trong những tuyến cáp treo vượt biển dài nhất thế giới[. Cáp treo Vinpearl Land được khởi công xây dựng vào tháng 4 năm 2006 và khai trương vào ngày 10 tháng 3 năm 2007. Tuyến cáp này dài 3,32 km, điểm cao nhất là 54 m với chiều cao trung bình là 45 m so với mặt nước biển. Tuyến được nối với nhau bởi bảy trụ trên biển, hai trụ trên bờ và hai nhà ga đặt tại hai đầu Nha Trang và Hòn Tre. Sự thông suốt vận chuyển được đảm bảo nhờ 47 cabin 8 chỗ, rút ngắn thời gian di chuyển còn 9 phút 20 giây và có thể hoạt động ở điều kiện gió cấp 7.


- BẾN PHÀ: Đón khách từ đất liền tới Vinpearl Land dài khoảng hơn 2 hải lý và đi phà phải mất tới 20 phút (6 hải lý/tiếng). Lịch chạy phà: 8h00 - 22h30

- TÀU CAO TỐC: Đón khách từ đất liền đi tới Vinpearl Land mất 7 phút bằng tàu cao tốc (17 hải lý/tiếng). Lịch hoạt động:24h/24h (30 phút /chuyến)

- TRÒ CHƠI NGOÀI TRỜI: Đu quay cảm giác mạnh , Đu quay thú nhún, Đu quay con voi, Đu quay dây văng, Tàu lượn cao tốc

- TRÒ CHƠI TRONG NHÀ: Phim 4 chiều, Trò chơi ảo, Vườn cổ tích , Xe đụng , Thiên đường trẻ em , Trò chơi điện tử , Cưỡi bò tót; Thủy Cung, Công viên nước

- CÁC TIỆN NGHI KHÁC: Phố mua sắm, Trung tâm hội nghị và biểu diễn đa năng, Làng ẩm thực - Khu sân khấu nhạc nước và biểu diễn ngoài trời, Vũ trường Exotica


NEM NINH HÒA


Là tên gọi chung cho thứ nem chua và nem nướng của Ninh Hòa, Khánh Hòa.

Nguyên liệu chính làm nem Ninh Hòa là thịt heo được lựa chọn và chế biến công phu theo cách riêng của vùng Ninh Hòa để sao cho có hương vị đặc biệt không giống bất cứ loại nem nào ở nơi khác. Heo được chọn phải là heo ở địa phương. Ở vùng này có giống heo nổi tiếng được nhắc đến trong tục ngữ Việt Nam "Mây Hòn Hèo, heo đất đỏ". Nghề nuôi heo ở đây từ lâu đã gắn bó với nghề làm nem.

Người ta chỉ chọn phần nạc ròng ở hai bắp đùi để làm nem. Thịt mới mổ đang còn nóng, bỏ vào cối giã liền tay không được ngưng nghỉ, vừa giã vừa gia thêm đường, muối vừa đủ, lại phải biết tăng giảm độ giã mạnh nhẹ khác nhau vào thời điểm thích hợp để thịt nhuyễn, có độ dai.

Đối với nem chua, da heo là thứ nguyên liệu quan trọng. Ở Ninh Hòa, người ta luộc da heo vừa chín tới rồi vớt ra để ráo nước, nạo sạch mỡ, lạng mỏng thành nhiều lớp cuộn lại cắt nhỏ như sợi miến, như chính sợi gân của heo. Trộn hai thứ thật nhuyễn vào nhau rồi dùng lá chùm ruột (hoặc lá vông) gói lại. Tùy theo mức độ định trước cho men lên men chua lâu, mau mà cho lớp lá dày, mỏng thích hợp.

Bên ngoài nem chua được gói thêm lớp lá chuối hột hoặc chuối mốc, tạo màu xanh thẩm mỹ cho men rồi mới cột bằng lạt giang từng chiếc, từng chiếc kết lại thành xâu nem chua, trông thật ngon mắt. Nem chua gói ba ngày thì đủ độ chua. Ãn nem chua kèm với tép tỏi, vừa có hương vị đặc biệt, vừa có độ dai, giòn sừn sựt trong miệng là thứ đồ nhậu rất được du khách ưa chuộng.

Ngoài nem chua, còn có nem nướng. Nem nướng cũng được chế biến từ thịt nạc giã nhuyễn, có thêm chút mỡ hạt lựu và một số gia vị như tỏi, đường, tiêu, muối... viên lại, mỗi chiếc bằng đầu ngón tay cái rồi xiên hoặc kẹp nướng trên than hồng. Nem nướng được cuốn bằng bánh tráng kèm thêm chút sà lách, chuối chát, khế, dưa leo, tía tô, rấp cá, hẹ... chấm vào thứ nước chấm hỗn hợp gồm tưõng trộn thịt nạc băm, đường, muối, tỏi, ớt, đậu phộng và một số gia vị khác.

Nem nướng được ăn quanh năm nhưng thú nhất là khi không khí ngoài trời hơi se lạnh, ngồi cạnh bếp lửa hồng nghe những giọt mỡ chảy xèo xèo trên than lửa bốc mùi thơm ngào ngạt, chưa ăn đã thấy hấp dẫn.


HÒN TẰM (ĐẢO THỦY KIM SƠN)


Là một đảo rộng hơn 110 hecta nằm giữa vùng biển trong xanh bốn mùa đầy nắng và gió. Hòn Tằm cách thành phố Nha Trang 7km về phía Đông Nam, nếu đi ca nô mất độ 7 phút, đi tàu khách khoảng 25 phút.

Tên gọi Hòn Tằm cũng mang ý nghĩa tượng hình do người dân chài thuở xa xưa đặt vì hòn đảo trông giống như một con tằm màu xanh lục, đầu hướng về phía Đông.

Hòn Tằm có các sân chơi: bóng đá, bóng chuyền trên bãi cát. Ngoài việc tham quan, tắm biển, nghỉ dưỡng phục hồi sức khoẻ, du khách còn có thể tham gia các loại hình giải trí hấp dẫn như leo núi, thám hiểm rừng, chèo thuyền, bơi thuyền buồm, câu cá, săn bắt dưới nước hoặc thể hiện lòng can đảm bằng các môn thể thao cảm giác mạnh như bay dù, lướt ván, mô tô nước... và đặc biệt khám phá thế giới dưới đại dương bằng các tour lặn biển. Nằm về phía Tây Nam Hòn Tằm chừng 10 phút leo núi là bãi Thiên Nga rất hoang sơ với thảm cát óng mịn và những gộp đá. Nơi đây đang được đầu tư để xây dựng đường leo núi, đường đua xe đạp địa hình, nuôi một số loài chim, thú và tổ chức cho du khách săn bắn... Từ Hòn Tằm, có thể nhìn thấy cả thành phố Nha Trang về hướng Bắc và bán đảo Cam Ranh về phía Nam.


HÒN MUN

Là một trong những hòn đảo thơ mộng nhất trong hệ thống đảo của Nha Trang. Hòn Mun cách cảng Cầu Đá 10 km (khoảng 45 phút đi tàu). Không chỉ hấp dẫn bởi cát trắng, biển xanh, những tổ yến hoang sơ trên cheo leo vách đá… nơi đây còn nổi tiếng là một trong những “thủy cung” “giàu và đẹp” nhất của biển Đông Nam Á. Nơi đây còn nổi tiếng có nhiều dịch vụ biển và khám phá biển bằng tàu đáy kính và dịch vụ lặn biển.

Được gọi là Hòn Mun vì phía Đông Nam của đảo có những mỏm đá nhô cao, vách dựng hiểm trở tạo thành hang động, đặc biệt đá ở đây đen tuyền như gỗ mun, rất hiếm thấy ở những nơi khác.

Tổng diện tích của toàn bộ khu bảo tồn là 160 km2, trong đó 122 km2 là diện tích mặt biển, 38 km2 là tổng diện tích của các hòn đảo. Hòn Mun với rạn san hô và hệ sinh vật biển đa dạng, phong phú là khu bảo tồn biển đầu tiên và duy nhất của Việt Nam hiện nay, đã được Quỹ Ðộng vật hoang dã thế giới (WWF) đánh giá là khu vực đa dạng sinh học biển bậc nhất ở Việt Nam, đặc biệt rất phong phú về san hô, hiện tại đã phát hiện được khoảng 350 loài.

Hệ sinh thái động, thực vật biển ở đây vô cùng phong phú. Theo thống kê trên thế giới có khoảng 2.000 loài san hô và sinh vật biển thì ở Hòn Mun đã có tới 1.500 loài.

Ở Hòn Mun, san hô nằm ở độ sâu 10m, cùng với rất nhiều loại cá đủ mà sắc và chủng loại. Với độ sâu dưới 18 m, thì không còn cảnh đẹp của san hô, nhưng có rất nhiều hang động. Có những hang sâu 10-15 m, phải dùng đèn để quan sát những sinh vật biển chuyên sống trong bóng tối như tôm, mực, tôm hùm, cá đuối…


ĐẦM NHA PHU, HÒN LAO, HÒN THỊ, HÒN HÈO:

VỊ TRÍ: Khu du lịch sinh thái đầm Nha Phu, Hòn Thị, Hòn Lao, Hòn Hèo thuộc địa phận huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố biển Nha Trang 15km về phía bắc.

ÐẶC ĐIỂM: Vịnh Nha Phu quanh năm sóng lượn êm đềm, giữa biển trời trong xanh, cụm đảo thơ mộng như những cánh buồm no gió lao ra biển khơi xa.

Ở đây có Hòn Lao, Hòn Thị, Hòn Hèo - đã trở thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi đến xứ Trầm Hương.


HÒN LAO:

Đến với Hòn Lao, quý khách được thưởng thức các trò vui chơi, giải trí: tắm biển, đua thuyền, cưỡi ngựa, câu cá, thưởng ngoạn công viên hoa, chim, cá cảnh, đặc biệt các tiết mục xiếc của những diễn viên: voi, gấu, khỉ, chó và mèo. Tại đây còn có nhà nghỉ mát dọc bãi biển và nhà nghỉ lưu trú được xây dựng độc đáo mang đậm màu sắc Việt Nam.


Hòn Lao, hay còn gọi là đảo khỉ nằm trong khu vực đầm Nha Phu, là một điểm du lịch hấp dẫn du khách do tại đây có hàng trăm con khỉ sống theo tập tục bầy đàn trong khu rừng còn hoang sơ, có khỉ Chúa, Hoàng Hậu… sống tự nhiên, thân thiện với khách. Nguyên trước đây, đàn khỉ này do Công ty 18-4 nuôi nhằm mục đích xuất khẩu sang Liên Xô (cũ), sau khi Công ty 18-4 giải thể, đàn khỉ được bàn giao cho Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) quản lý. Công ty Du lịch Long Phú là một đơn vị thành viên của Khatoco, quản lý và khai thác du lịch các đảo Hòn Thị, Hòn Hèo (du lịch suối Hoa Lan) và Hòn Lao. Việc thuần dưỡng đàn khỉ được đơn vị quản lý rất quan tâm vì chúng có thể gây bệnh khi tiếp xúc với người. Ở Hòn Lao vào ngày cao điểm, có khoảng 2.000 du khách đến tham quan.


Tuy nhiên, việc quản lý đàn khỉ không đơn giản. Nhiều du khách do mải mê vui chơi, tách đoàn, tỏ ra thân thiện quá mức với khỉ, bị khỉ giật đồ hoặc làm cho khỉ hoảng sợ, bị chúng cào cấu. Có người bị khỉ giật mất điện thoại, nhảy lên cây; người bị khỉ móc túi lấy tiền… xé chơi!


Tuy nhiên, việc quản lý đàn khỉ để làm du lịch một cách an toàn như thế nào là điều đáng quan tâm. Bởi nếu không có khỉ thì Hòn Lao trở nên đơn điệu. Nhưng để lũ khỉ gây ra những điều không tốt cũng là điều khiến du khách không hài lòng.


Ông Đặng Thái Luyện, Giám đốc Công ty Du lịch Long Phú đã trao đổi một cách thẳng thắn và cởi mở với chúng tôi về vấn đề quản lý đàn khỉ trên đảo Hòn Lao. Theo ông Luyện, tại Hòn Lao còn có thỏ rừng và kỳ nhông, nhưng loài vật được du khách chú ý nhiều nhất là khỉ. Tuy được huấn luyện gần gũi con người, được tiếp xúc với con người hàng ngày, nhưng bản tính của khỉ có 2 đặc điểm luôn tồn tại: tranh giành thức ăn và phản ứng tự vệ. Do đó, không ngạc nhiên khi tuy đã được cho ăn rất nhiều, lũ khỉ vẫn sẵn sàng giành thức ăn để dành hai bên má. Còn phản ứng tự vệ chỉ xảy ra trong các trường hợp khách chìa thức ăn cho khỉ, khỉ bạo dạn cầm lấy, nhưng khi khách nắm tay, chúng tưởng bị lừa để bắt đi nên có hành động kháng cự. Hoặc khi có khách vuốt đầu, áp sát vào khỉ khiến chúng có những hành động phản kháng, tự vệ. Trên thực tế, những điều này đã được hướng dẫn viên (HDV) của khu du lịch hướng dẫn cặn kẽ cho khách, nhưng do nhiều người đến đảo lần đầu, vội vã đi theo đàn khỉ, không đi theo nhóm nên không nghe lời HDV hướng dẫn.


Hiện Hòn Lao có tất cả 18 HDV làm nhiệm vụ hướng dẫn khách. Trong đó có cả HDV nói tiếng Pháp, tiếng Trung. Tổ bảo vệ trên đảo theo dõi đàn khỉ gồm 4 người. Mọi sinh hoạt của đàn khỉ đều được kiểm tra chặt chẽ. Trên đảo cũng luôn túc trực một bác sĩ, một y sĩ để xử lý các tình huống (nếu có).

HDV du lịch Hòn Lao đề nghị du khách không nên cho khỉ ăn quá gần khu vui chơi để tránh việc chúng từ rừng tràn vào. Trên thực tế thì khu vực cho khỉ ăn là một khu rừng khá đẹp, tại đây có cả xích đu, dây leo cho khỉ. Vào năm 1997 - 1998, để hạn chế tình trạng đàn khỉ tràn vào khu vui chơi, Công ty Long Phú đã sử dụng máy nổ, cho dòng điện 12V chạy qua hàng rào sắt để khỉ khỏi vượt ranh. Nhưng sử dụng máy nổ 24 giờ/ngày vượt quá khả năng của đảo nên phải tạm ngưng. Riêng vấn đề ngừa bệnh cho khỉ, tại Hòn Lao có đặt những hệ thống nước cho khỉ uống, trong nước đã pha các loại thuốc.


Thân thiện vui chơi với đàn khỉ là điều hấp dẫn đối với du khách khi đến Hòn Lao. Nhưng sự thân thiện ấy cũng cần tuân thủ những quy định của khu du lịch để tránh việc khách bị đàn khỉ quấy rầy, gây phiền phức.


HÒN THỊ:

Tiếp đến, phong cảnh thiên nhiên tuyệt vời của Hòn Thị như gọi mời du khách dừng chân. Nơi đây có rừng cây bạt ngàn xanh tốt, giữ nguyên được nét hoang sơ. Trên Hòn Thị, có khu chăn nuôi đà điểu và các loại thú khác như: hươu, nai,...


HÒN HÈO:

Khu du lịch sinh thái Suối Hoa Lan hay Suối Tử Sĩ thuộc xã Ninh Phú, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Nằm giữa đầm Nha Phu thuộc xã Lương Sơn (Nha Trang - Khánh Hoà), Hòn Lao là nơi nổi tiếng có nhiều hải sản, nước trong xanh, quanh năm biển lặng, cảnh trí hữu tình... Nơi đây đã được đầu tư, tôn tạo thành khu giải trí dã ngoại với nhiều dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Trong những năm qua, Công ty du lịch Long Phú, tỉnh Khánh Hòa đã tích cực triển khai các biện pháp khôi phục, tái tạo và bảo vệ rạn san hô Hòn Lao, nhờ đó rạn san hô này đã dần hồi sinh và phát triển lên 4 hecta, gần với nguyên trạng ban đầu, thu hút nhiều loài sinh vật biển đến sinh sống, nhất là các loài cá cảnh.

Cùng với Hòn Thị và Hòn Lao, suối Hoa Lan là một trong những khu du lịch (KDL) nổi tiếng của Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú. Hàng năm, suối Hoa Lan đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến thưởng ngoạn và vui chơi.

Suối Hoa Lan nằm trong dãy núi Hòn Hèo, cách Nha Trang khoảng 18km về phía Bắc. Suối dài khoảng 6km, được hình thành từ nhiều suối nhỏ của những ngọn núi trong dãy Hòn Hèo. Dọc suối có đủ loại cây rừng mọc quấn quýt bên nhau thành tầng thành lớp. Đặc biệt, suối có rất nhiều hoa phong lan. Sau khi chảy qua những ghềnh thác cheo leo, suối Hoa Lan đổ nước trực tiếp vào đầm Nha Phu. Nối đầm Nha Phu với dãy Hòn Hèo là một khoảng đất bằng, diện tích khoảng 20 ha, nghĩa là chỉ trong một khoảng không gian không rộng lắm nhưng KDL suối Hoa Lan đã trải mình qua cả 3 hình thế: núi cao, đồng bằng và biển cả.

Suối Hoa Lan không chỉ là nơi có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn là nơi ghi lại dấu tích của người Chăm từ thuở xa xưa. Trên tảng đá dưới chân suối còn nguyên dòng chữ Chăm cổ được khắc sâu rất đẹp, ghi dấu sự kiện một vị vua người Chăm ngày trước đã từng hành hương đến suối Hoa Lan. Nơi đây cũng là căn cứ cách mạng của 2 cuộc kháng chiến. Lần theo những dấu tích thuở xưa, chúng ta sẽ bắt gặp những ghềnh đá kỳ vĩ và nhiều ngọn thác. Núi Hòn Hèo cao trên 700m, ngọn thác cao nhất ở đây là 350m, mỗi thác có một dáng hình, một vẻ đẹp. Nhờ những ưu thế về địa hình, KDL suối Hoa Lan đã thu hút được rất nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ và khách du lịch nước ngoài. Họ đặc biệt yêu thích không khí trong lành của rừng, của thác nước nơi đây.

Những năm qua, Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú đã đầu tư vào KDL suối Hoa Lan nhiều công trình và các dịch vụ du lịch để phục vụ du khách. Đó là vườn hoa phong lan với nhiều giống lan quý hiếm được sưu tập trong và ngoài nước; Mê Cung trận đồ với những đường đi lắt léo giữa rừng dương xanh ngắt; khu vui chơi giải trí thể thao dưới nước; nhà hàng 400 chỗ ngồi; khu vui chơi giải trí dành cho thiếu nhi, khu vực xiếc thú, nhà nghỉ… Đặc biệt, Công ty vừa hoàn thành một khu vực cắm trại với sức chứa hơn 800 người dành cho những du khách yêu thích dã ngoại… Bên cạnh đó, KDL còn có những dịch vụ khác khá hấp dẫn như tham quan suối Hoa Lan bằng thuyền Kayak. Du khách sẽ tự chèo thuyền từ suối Hoa Lan qua suối Mộng Mơ rồi ra cửa biển, tham quan phong cảnh đặc trưng của đảo Hoa Lan với những nét đẹp nguyên sơ của nó.

Theo TourDaNang.Com.Vn (Tour Nha Trang 4 ngày 3 đêm , Tour Đồng Tháp Đà Nẵng 4 ngày 3 đêm, Tour Hà Nội Đà Nẵng)

Hỏi tour: 0935 43 0234 | Zalo: 0911 28 6886